Vừa qua, đảo Phú Quốc trải qua trận lụt lịch sử. Nhiều chuyên gia nhận định ngoài nguyên nhân thời tiết cực đoan, vấn đề còn có thể xuất phát từ tác động của con người. Phú Quốc hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với gần 300 dự án đầu tư, tổng số vốn khoảng 370.000 tỷ đồng.
Trao đổi với Zing.vn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết đã giao các cơ quan chuyên môn kiểm tra, làm rõ nguyên nhân khiến Phú Quốc bị ngập lụt vừa qua. Người đứng đầu ngành TN&MT nhấn mạnh khi đưa ra nguyên nhân phải dựa trên cơ sở khoa học.
Trong đó, một phần nguyên nhân đến từ việc Phú Quốc đã gánh chịu lượng mưa khoảng 1.000 mm chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông Hà cho biết sẽ làm rõ nguyên nhân gì khiến hệ thống thoát nước tại đảo bị tê liệt và không loại trừ tác động của con người.
“Cần phải xem xét nguyên nhân tại sao hệ thống thoát nước lại bị tê liệt như thế? Xem xét tắc ở đâu, thoát lũ ở đâu”, ông Hà nói.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà. Ảnh: Minh Quân. |
Bộ trưởng TN&MT cũng nhấn mạnh cần xem xét lại thiết kế hệ thống thoát. Ngoài ra, còn có các hoạt động của con người tại đảo đã không tính đến quy hoạch xây dựng, không tính toán hết khả năng thoát lũ.
Khi được hỏi liệu có phải Phú Quốc đang phát triển quá “nóng”, cấp phép dự án một cách ồ ạt, là một phần gây ra trận lũ vừa qua hay không, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng chưa thể kết luận ngay được mà cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, dựa trên cơ sở khoa học.
“Cần phải tính toán lại hạ tầng xã hội, phân bố dân cư, hệ thống thoát nước… như thế nào, có đáp ứng được không”, ông Hà chia sẻ thêm.
Sáng 16/8, trao đổi với Zing.vn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, thừa nhận việc phát triển “nóng” sẽ gây tác động nhất định đến môi trường. Tuy nhiên, ông cho rằng với lượng mưa lớn như vừa qua, trận lụt ở Phú Quốc không phải là do phát triển “nóng”.
Ông Nhịn cho biết sau trận lụt, tỉnh sẽ rà soát lại hạ tầng Phú Quốc, đặc biệt là hạ tầng thoát nước. “Hạ tầng thoát nước đầu tư chưa đồng bộ, chưa đầy đủ”, ông Nhịn nói.
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc, trong 8 ngày (từ 1/8 đến 9/8) tổng lượng mưa trên địa bàn đạt 1.170 mm, trong khi lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 2.800 mm. Lượng mưa lớn, sự phát triển quá nhanh về dân cư và dự án kinh doanh, hệ thống thoát nước yếu kém là một trong các nguyên nhân gây ra trận lụt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không được bê tông hóa Phú Quốc. |
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh nguyên nhân do con người. Thời gian qua, đô thị hóa tại Phú Quốc diễn ra quá nhanh. Trong khi đó hệ thống thoát nước chưa đáp ứng được tốc độ đô thị hóa và sự bất thường của thời tiết.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang vào cuối tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phát triển Phú Quốc cần lưu ý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân nhất là sinh kế.
Ông cho rằng thu hút những nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính, có lợi ích lâu dài ở Phú Quốc. Thủ tướng yêu cầu không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật, không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản, phát triển tốc độ nhanh vừa qua.
“Để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây. Phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bê tông hóa Phú Quốc”, Thủ tướng nói.
Tham khảo thêm tin tức về phú quốc: Tại đây!
Bản quyền thuộc về công ty TNHH BĐS Mạnh Khanh Real năm 2018