"Tôi đã từng sinh sống tại VN và điều hành các chương trình nhân đạo tại đây. Trong lần tới thăm Phú Quốc hơn chục năm trước, máy bay của tôi phải bay vòng quanh sân bay 3 lần để xua những chú bò thả rông khỏi đường băng. Hòn đảo lúc bấy giờ chỉ có 3 khách sạn, tất nhiên là "không sao". Nhưng một vài tuần trước, tôi cùng vợ đáp chuyến bay trên chiếc trực thăng từ TP.HCM tới Phú Quốc, xe taxi đã chờ sẵn và chở chúng tôi đi dọc thị trấn cổ Dương Đông, đi qua một con đường hẹp với nhiều nhà hàng có sân trong rồi tới thẳng La Veranda, khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên ở Phú Quốc", lời kể của Chuck Searcy, một cựu quân nhân Mỹ, trong bài viết trên tờ LA Times năm 2015 là minh chứng cho câu chuyện về hành trình phát triển diệu kỳ của Phú Quốc.
Thời điểm ông Searcy lần đầu đặt chân tới Phú Quốc, hòn đảo làm xiêu lòng bao lữ khách bởi những bãi biển hoang sơ đẹp hút hồn như bãi Khem, bãi Sao, bãi Thơm… Thế nhưng, đây vẫn chỉ là một điểm đến để ngắm cảnh, tắm biển, ăn hải sản cùng lắm 1 - 2 ngày rồi về. Thậm chí, nhiều cung đường trên TT.Dương Đông thời bấy giờ vẫn còn đỏ quạch màu bùn. Cuộc sống người dân còn quá lam lũ, chỉ bám biển kiếm sống, nay bãi Nam, mai qua bãi Chướng, trong những ngôi nhà lúp xúp tạm bợ bên biển. Những làng chài nghèo như An Thới khi đó còn chưa có ánh điện.
Cho tới khi người cựu binh Mỹ quay lại và "không còn con bò nào chắn lối trên đường băng" thì du khách đến Phú Quốc đã có thể đi ô tô từ bến tàu cao tốc bãi Vòng (xã Hàm Ninh) hoặc sân bay quốc tế Phú Quốc (xã Dương Tơ) về trung tâm huyện đảo là TT.Dương Đông hoặc ngược lên các xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu ở phía bắc đảo rồi xuống xã Dương Tơ, TT.An Thới ở phía nam. Tất cả đều là đường nhựa tinh tươm.
Gần 10 năm sau ngày Searcy đến lần 2, Phú Quốc đã thêm một lần lột xác, xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh một "làng chài" xơ xác nghèo nàn, để chạm tay vào ngôi vị mới: thiên đường nghỉ dưỡng hạng sang của châu Á. Từ chỗ không có khách sạn, resort cao cấp, đến đầu 2017, Phú Quốc đã có "Khu nghỉ dưỡng mới đẳng cấp nhất thế giới" JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay do "ông hoàng resort" Bill Bensley thiết kế trên Nam đảo, đưa hòn đảo vào danh sách những điểm đến của các tỉ phú và ngôi sao nổi tiếng thế giới.
Từ vị trí nhạt nhòa, Nam đảo bước vào "kỷ nguyên" du lịch sang trọng chưa từng có với hàng loạt công trình, sản phẩm đẳng cấp như khu resort siêu sang 2 mặt biển Premier Village Phu Quoc Resort ở Mũi Ông Đội; tổ hợp trải nghiệm đẳng cấp Sun World Hon Thom Nature Park với tuyến cáp treo dài nhất thế giới; Cầu Hôn Kiss Bridge Phú Quốc gây sốt truyền thông toàn cầu... Mới nhất là khu chợ đêm đầu tiên trên thế giới "dám" tổ chức bắn pháo hoa mỗi đêm để thắp sáng Thị trấn Hoàng hôn lung linh với hàng ngàn trải nghiệm.
"Chắc chắn bây giờ tôi sẽ không thể nhận ra Phú Quốc được nữa", Searcy nói và không ngừng kinh ngạc khi dõi theo hình ảnh về những khu vui chơi, nghỉ dưỡng đẳng cấp bậc nhất phủ kín "đảo Ngọc".
"Khác một trời một vực" cũng là cách mà anh Đoàn Anh Dũng nói khi nhớ về thời điểm lần đầu tiên đến Phú Quốc năm 2019. "Ấn tượng đầu tiên của tôi là di chuyển bằng máy bay cánh quạt ATR 72 đáp ở sân bay Dương Đông cũ. Phú Quốc khi đó các địa điểm tham quan hoang sơ nhưng rất đẹp như bãi Sao, bãi Khem với biển xanh cát trắng ở Nam đảo, ngay cả bãi Bà Kèo cát vàng ở Dương Đông tuy nhỏ nhưng cũng rất ấn tượng. Tuy nhiên, hạ tầng du lịch hết sức khiêm tốn.
Tuyến đường Trần Hưng Đạo dọc bãi Dài tuy là trung tâm nhưng chỉ có vài cái tên như khách sạn Sài Gòn - Phú Quốc, Hòa Bình, Thiên Hải Sơn… còn lại chủ yếu là nhà nghỉ, các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, quán cơm bình dân, tiệm tạp hóa. Những nơi xa trung tâm hơn như bãi Trường ở phía nam, hay các tuyến đường lên Bắc đảo chủ yếu là đất đỏ và rừng. Ngay cả đường Trần Hưng Đạo cũng còn nhiều đoạn chưa trải nhựa hoàn toàn. Các con hẻm lởm chởm đá, rễ cây, cỏ lau cao tận đầu nên người dân và khách du lịch ngã như cơm bữa", anh Dũng nhớ lại.
Bốn năm sau, gia đình anh Dũng chuyển đến Phú Quốc, bắt đầu mở homestay để kinh doanh du lịch. "Giờ thì Phú Quốc có tất cả mọi thứ, từ hạ tầng điện đường cho tới internet, nhanh không thua đất liền. Các khu nghỉ dưỡng, vui chơi thì siêu sang, siêu xịn. Du khách quốc tế phủ khắp lối. Cứ vài ngày lại thấy Phú Quốc được ca ngợi đẹp nhất thế giới, đẳng cấp nhất thế giới. Du khách quốc tế cũng kinh ngạc với những trải nghiệm không nơi đâu có như đi chợ xem pháo hoa. Không thể tin nổi mọi thứ có thể thay đổi kỳ diệu như vậy chỉ trong hơn chục năm", anh Đoàn Anh Dũng trầm trồ.
Báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định Quyết định số 178 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò tiên phong, mở đường và định hình hướng phát triển "đảo Ngọc" Phú Quốc. Nếu những năm trước đây, Phú Quốc chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện với kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, là cái tên xa lạ đối với nền du lịch trong nước và quốc tế thì đến nay, đảo đã vươn mình trở thành một trong những điểm tham quan du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Kinh tế Phú Quốc được phát triển theo hướng thương mại dịch vụ, lấy du lịch làm trọng tâm, chủ đạo. Năm 2022, tổng thu ngân sách của thành phố đạt 5.079 tỉ đồng, tăng 112,83 lần so với năm 2004, chiếm trên 69% thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang. Năm 2023, ước tổng thu ngân sách của TP.Phú Quốc đạt 7.813 tỉ đồng, tăng trên 2.700 tỉ đồng so với năm 2022 và chiếm 51,7% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây TP.Phú Quốc không những tự chủ ngân sách từ nguồn thu mà còn điều tiết lại cho ngân sách của tỉnh Kiên Giang.
Theo dõi sát sao hành trình phát triển của Phú Quốc, PGS-TS Trần Đình Thiên nhận xét trong khoảng 2 thập niên qua, Phú Quốc chính là tọa độ thay đổi tạo ra sự khác biệt và đẳng cấp mạnh nhất VN mà một trong những động lực chính là nhờ được trao một "chiếc áo cơ chế" đặc biệt.
Ông Thiên dẫn chứng Phú Quốc trước đây chỉ là hòn đảo hoang sơ tách biệt với phần còn lại của đất nước. Kể từ 2004, khi Quyết định 178 được ban hành, tầm nhìn cho Phú Quốc chính thức thay đổi. Dù mới chỉ là một huyện đảo, Phú Quốc đã có sân bay quốc tế. Tại VN thời điểm đó, chưa huyện nào có sân bay quốc tế, lại còn liên tục mở rộng mạng bay tới nhiều quốc gia, kết nối thẳng với thế giới. Đường cáp điện cũng được kéo ra đảo. Đây là sự kiện khác thường. Sau đó, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị biển đảo đầu tiên của VN. Nhờ vậy, hòn đảo có thêm được những cơ chế, có thêm được sự quan tâm và trong đó hàm nghĩa một tầm nhìn phát triển rất khác cho Phú Quốc, không giống bất kỳ địa phương nào.
"Nhà nước đã tặng cho Phú Quốc một thể chế, trao cho Phú Quốc một tầm nhìn và định hướng phát triển cho phép Phú Quốc có điều kiện tổ chức công cuộc phát triển hoàn toàn mới xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh. Chính động lực này đã mở đường cho những doanh nghiệp "đại bàng" từ khắp nơi đổ về. Đây là nguồn động lực thứ hai giúp Phú Quốc đạt đến tầm đẳng cấp hàng đầu thế giới như hiện nay", PGS-TS Trần Đình Thiên nhận xét.
Theo báo Thanh Niên
Nếu bạn có dịp du lịch phú quốc và đam mê câu cá thì có thể tour câu cá của T.A Pro Fishing nhé!
Bản quyền thuộc về công ty TNHH BĐS Mạnh Khanh Real năm 2018